Microsoft Office, Adobe Creative Suite và SAP là một số sản phẩm On premise vô cùng phổ biến. Nhưng On premise nghĩa là gì? Bất kỳ công ty nào đang tìm kiếm nền tảng công nghệ phù hợp chắc hẳn không còn xa lạ với On premise (Phần mềm lưu trữ dữ liệu tại chỗ) và Cloud (Phần mềm điện toán đám mây). Vậy On premise là gì? Đâu là ưu và nhược điểm của On premise? On premise có gì khác so với Cloud? Và làm thế nào để lựa chọn nền tảng phần mềm phù hợp với doanh nghiệp? Trong bài viết dưới đây, MarketingAI sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn sâu sắc toàn diện về On premise là gì. Cùng theo dõi nhé!
On Premise nghĩa là gì?
On premise hay phần mềm lưu trữ tại chỗ là dạng mô hình phần mềm được thiết lập và hoạt động từ chính máy chủ và môi trường công nghệ thông tin (CNTT) của doanh nghiệp. Với mô hình sử dụng này, các doanh nghiệp thường mua hoặc thuê phần mềm dựa trên máy chủ với tư cách là người được cấp phép, phần mềm này được cài đặt trên máy chủ của chính họ.
Định nghĩa On premise là gì? (Ảnh: architecting)
Hiểu một cách đơn giản, On premise đề cập đến giấy phép và mô hình sử dụng cho phần mềm hoặc chương trình máy tính dựa trên máy chủ mà khách hàng hoặc người được cấp phép cài đặt trong môi trường CNTT của riêng họ.
Người được cấp phép có toàn quyền kiểm soát dữ liệu, phải chịu trách nhiệm về các rủi ro liên quan và phải chịu tất cả các chi phí phát sinh trong việc sử dụng phần mềm. Chúng thường bao gồm phí bảo trì, chi phí để chạy phần mềm và phần cứng, chi phí cho nhân viên phụ trách,… Trong trường hợp phần mềm mã nguồn mở (Open source software – OSS) sẽ có một cộng đồng lập trình viên xử lý việc phát triển, thêm và sửa lỗi trong thực tế. Nhưng điều bất lợi ở đây là bạn không thể yêu cầu bảo hành. Nếu cần, có thể mua gói hỗ trợ hoặc cung cấp các bản cập nhật phần mềm từ các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan.
Người được cấp phép có quyền truy cập vào phần mềm thông qua ứng dụng trên máy tính để bàn hoặc giao diện người dùng trên web. Các công ty quản lý dữ liệu nhạy cảm thường chọn ứng dụng dựa trên máy tính để bàn để loại trừ các lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn và truy cập trái phép vào hệ thống.
>>> Có thể bạn quan tâm: IoT là gì? Cơ chế hoạt động và vai trò của nền tảng IoT trong cuộc sống
Ưu điểm và nhược điểm của On premise là gì?
Cloud phát triển đã làm cho nhiều doanh nghiệp chuyển trọng tâm từ các giải pháp On premise sang Cloud. Tuy nhiên, On premise vẫn được các doanh nghiệp tin dùng bởi khả năng bảo mật dữ liệu mạnh mẽ, kiểm soát hoàn toàn dữ liệu và quyền truy cập.
Một lợi ích khác của On premise tạo nên sự khác biệt so với các giải pháp thay thế dựa trên đám mây là khả năng tùy chỉnh phần mềm. Phần mềm tiêu chuẩn tạo thành nền tảng cơ bản và là cơ sở để tùy chỉnh hoặc mở rộng phần mềm theo các yêu cầu đặc biệt của khách hàng và các lĩnh vực ứng dụng. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với chi phí đáng kể cho việc điều chỉnh hoặc tăng lệ phí giấy phép. Hơn nữa, các bản cập nhật sau này sẽ khó thực hiện hơn và tốn kém hơn so với phần mềm tiêu chuẩn.
Dưới đây là những ưu và nhược điểm cụ thể của On premise:
Ưu điểm của On premise
- Toàn quyền kiểm soát: Môi trường on premise cho phép bên được cấp phép kiểm soát và quản lý hoàn toàn tài sản. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người làm việc trong các ngành được quản lý cao, nơi quyền riêng tư là mối quan tâm hàng đầu.
- Bảo vệ dữ liệu: Với mô hình On premise, bên được cấp phép lưu giữ tất cả dữ liệu trong trung tâm dữ liệu của riêng mình; các bên thứ ba không nhận được bất kỳ quyền truy cập nào vào dữ liệu này. Điều này làm cho việc tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu theo luật định trở nên dễ dàng hơn, vì các máy chủ đám mây thường được đặt ở các quốc gia có các quy tắc bảo vệ dữ liệu khác nhau.
- Chi phí một lần: Bên được cấp phép On premise trả phí một lần bao gồm mua phần mềm và sử dụng không giới hạn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư theo đó cũng cao hơn so với các mô hình dựa trên đăng ký.
- Tính độc lập: Bên được cấp phép độc lập với các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài và với người cấp phép. Quyền truy cập vào dữ liệu luôn được đảm bảo – ngay cả khi không có kết nối internet.
- Tích hợp: Phần mềm được cấp phép có thể được tích hợp sâu hơn vào cơ sở hạ tầng của khách hàng và được liên kết với các chương trình khác.
Ưu và nhược điểm của On premise là gì? (Ảnh: PhoenixNAP)
Nhược điểm của On premise
- Yêu cầu đầu tư vốn đáng kể cho phần cứng và cơ sở hạ tầng: Người dùng phần mềm on premise phải đối phó với các chi phí liên tục liên quan đến không gian lưu trữ, chi phí bảo trì phần cứng, phần mềm máy chủ, mức tiêu thụ điện năng.
- Khối lượng công việc: Bên được cấp phép cần cài đặt và chạy các bản cập nhật, bản vá và sao lưu để đảm bảo tính ổn định và sửa lỗi. Điều này không chỉ đòi hỏi thời gian mà còn cả khả năng kỹ thuật trong công ty và giữa các nhân viên.
- Chi phí phát sinh: Trong trường hợp phần mềm được tùy chỉnh, nhiều chi phí có thể phát sinh cho việc điều chỉnh và cập nhật phần mềm để giữ cho phần mềm hoạt động và sửa lỗi.
- Thiếu hỗ trợ: Việc phát triển và cập nhật phần mềm có thể bị nhà sản xuất ngừng trong sớm hoặc muộn. Một khi điều này xảy ra, khả năng hỗ trợ cũng có xu hướng kết thúc.
- Không thể truy cập khi đang di chuyển: Hệ thống on premise phải được truy cập trong khu vực lân cận văn phòng hoặc phạm vi của người dùng vì việc thiết lập truy cập từ xa thường khá phức tạp.
Phân biệt On-premise vs Cloud
On premise và Cloud là hai nền tảng không còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp. Nhưng vẫn có khá nhiều hiểu nhầm và thắc mắc giữa hai nền tảng này. Cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa chúng và đâu mới là nền tảng phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn.
On Cloud là gì?
On cloud đề cập đến các máy chủ được truy cập qua Internet, phần mềm và cơ sở dữ liệu chạy trên các máy chủ đó. Máy chủ đám mây được đặt tại các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới. Bằng cách sử dụng điện toán đám mây, người dùng và các công ty không phải tự quản lý các máy chủ vật lý hoặc chạy các ứng dụng phần mềm trên máy của riêng họ.
Cloud cho phép người dùng truy cập cùng một tệp và ứng dụng từ hầu hết mọi thiết bị, vì quá trình tính toán và lưu trữ diễn ra trên các máy chủ trong trung tâm dữ liệu, thay vì cục bộ trên thiết bị của người dùng. Đây là lý do tại sao người dùng có thể đăng nhập vào tài khoản Instagram của họ trên điện thoại mới sau khi điện thoại cũ bị hỏng và vẫn tìm thấy tài khoản cũ với tất cả ảnh, video và lịch sử trò chuyện. Nó hoạt động theo cách tương tự với các nhà cung cấp email đám mây như Gmail hoặc Microsoft Office 365 và với các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây như Dropbox hoặc Google Drive.
On-premise vs Cloud: Đâu là nền tảng phù hợp với doanh nghiệp
Vậy đâu mới là nền tảng phù hợp với doanh nghiệp của bạn? On premise hay Cloud? 5 yếu tố dưới đây sẽ giúp bạn xem xét và đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Nên lựa chọn On premise hay Cloud? (Ảnh: thegioididong)
Triển khai
- On premise: Với On premise, phần mềm sẽ được cài đặt và triển khai trực tiếp vào máy chủ của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ cấp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu này cho các tài khoản. Tất cả dữ liệu sẽ được lưu trữ trực tiếp mà không thông qua bất kỳ một bên thứ ba nào khác.
- Cloud: Tất cả dữ liệu được lưu trữ trên đám mây điện tử. Các nhiệm vụ bảo mật, lưu trữ, bảo trì sẽ được nhà cung cấp chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp sẽ được cung cấp tài khoản và tự do truy cập vào bộ dữ liệu này vào bất kỳ thời điểm nào.
Chi phí
- On premise: Tốn nhiều chi phí hơn so với các phần mềm khác, chẳng hạn như yêu cầu về phần cứng máy chủ nội bộ, nhân viên hỗ trợ CNTT, thời gian tích hợp, chi phí liên quan đến việc vận hành và bảo trì,…
- Cloud: Một cách tương đối, một dịch vụ Cloud thường sẽ tiết kiệm được nhiều khoản chi hơn rất nhiều so với On premise.
Kiểm soát dữ liệu
- On premise: Doanh nghiệp được toàn quyền kiểm soát hệ thống dữ liệu mà không cần phụ thuộc vào bên nào khác. Đây được coi là ưu điểm hàng đầu của On premise khiến chúng trở thành lựa chọn ưu tiên của các tập đoàn lớn.
- Cloud: Dữ liệu sẽ được mã hóa và lưu trữ bởi bên thứ ba hay bên phân phối dịch vụ điện toán đám mây.
Tính bảo mật
- On premise: Phần mềm On premise được đánh giá cao về mức độ an toàn vì toàn bộ phiên bản phần mềm nằm trong cơ sở của tổ chức. Và vì phần mềm được cài đặt và vận hành trong giới hạn của mạng người dùng, nhân viên bảo mật và nhân viên IT nên chỉ họ mới có quyền kiểm soát trực tiếp cấu hình, quản lý và thực hiện các hoạt động bảo mật.
- Cloud: Mức độ bảo mật phụ thuộc vào nhà cung cấp. Do đó, điều quan trọng là cần tìm một nhà cung cấp uy tín, có khả năng cung cấp tính năng bảo mật mạnh mẽ, giao thức bảo mật phức tạp.
Nâng cấp hệ thống
On-premise: Phần mềm On premise có thể được nâng cấp hoặc tùy chỉnh. Tuy nhiên, việc cập nhật có liên quan chặt chẽ đến việc triển khai phần mềm trước đây và do đó, đòi hỏi nhân viên các bộ phận liên quan có kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Cloud: Ứng dụng chạy trên Cloud có thể được tự động nâng cấp, do đó, doanh nghiệp có cơ hội được sử dụng các phiên bản cập nhật mới nhất mà không cần mất quá nhiều thời gian và chi phí.
Vậy nền tảng phần mềm nào sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn trong tương lai?
Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp lưu trữ dữ liệu online hoặc on premise. Có thể các tiêu chí đã được xác định phải được tuân thủ, chẳng hạn như chính sách công ty hoặc khách hàng hoặc nhiệm vụ bảo mật, nhưng những điều bất di bất dịch này không đủ lý do để bạn đưa ra các quyết định kỹ thuật mà bỏ qua các yêu cầu khác của người dùng và doanh nghiệp.
Điện toán đám mây và phần mềm On premise thường được coi là “đối thủ cạnh tranh” của nhau, nhưng không thể phủ nhận một điều rằng hiện tại Cloud đang chiếm ưu thế và trở nên bùng nổ mạnh mẽ bởi sự linh hoạt, tiết kiệm cả về thời gian, tiền bạc và khả năng mở rộng quy mô một cách nhanh chóng.
- Nhiều chuyên gia nhận định, trong tương lai sự phát triển của Cloud sẽ có tác động mạnh mẽ tới quyết định của người tiêu dùng.
- Theo drip.com, lợi nhuận thực tế của những nhà sản xuất phần mềm Cloud tăng 10.3% mỗi năm và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Hiện tại, có khoảng 64% công ty vừa và nhỏ sử dụng Cloud.
Lời kết
Hiểu được On premise là gì thì có thể thấy mặc dù tầm quan trọng của điện toán đám mây ngày càng tăng, nhưng On premise vẫn là lựa chọn ưu tiên trong nhiều trường hợp đối với nhiều công ty và tổ chức, chẳng hạn như các lĩnh vực như tài chính hoặc chăm sóc sức khỏe, vì các công ty phải tuân theo các yêu cầu đặc biệt nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu. Với On premise, dữ liệu nhạy cảm có thể được bảo vệ hiệu quả hơn khỏi sự truy cập trái phép của bên thứ ba vì công ty tự quản lý dữ liệu và các quy trình nội bộ, công ty xác định ai có quyền truy cập vào dữ liệu nào.
Trên đây là tất cả những thông tin đầy đủ nhất về On premise là gì, hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn góc nhìn toàn diện nhất về On premise và giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn nhất khi lựa chọn nền tảng lưu trữ cho doanh nghiệp.
Lương Hạnh – MarketingAI
Tổng hợp
>> Có thể bạn quan tâm: Mobile Money là gì? Cách hoạt động của Mobile Money tại Việt Nam
Xin chào chúng mình là Gen Z. Thế hệ tuổi trẻ Gen Z chúng mình chia sẻ cho nhau những bài viết bổ ích giúp nhằm mục đích phi lợi nhuận và cùng nhau phát triển bản thân về cả tri thức lẫn tinh thần. Nếu bạn đam mê viết lách và chia sẻ câu chuyện cá nhân của bạn trên nền tảng internet hãy gửi tin nhắn đến cho chúng mình cùng gia nhập cộng đồng cùng nhau học hỏi và chia sẻ kiến thức nhé