Đầu tháng 11 vừa qua, cư dân mạng tại Việt Nam xôn xao với thông tin BH Media, một công ty truyền thông có trụ sở tại Hà Nội, đã xác nhận quyền sở hữu bản quyền của ca khúc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao trên nền tảng Youtube. Điều này khiến nhiều video đăng tải lên Youtube có sử dụng nhạc Quốc ca đã buộc phải tắt tiếng hoặc phải gỡ bỏ vì “dính” bản quyền về âm nhạc do BH Media nắm giữ.
Tiếp theo đó, tại trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Ả Rập Xê Út trong khuôn khổ vòng loại World Cup thứ 3 khu vực châu Á diễn ra vào ngày 16/11 vừa qua, khi trận đấu được phát sóng trực tiếp trên Youtube, phần hát quốc ca chào cờ của đội tuyển Việt Nam đã bị đánh dấu bản quyền vì trận đấu sử dụng bản ghi “Tiến quân ca” do một hãng đĩa nước ngoài sản xuất và đăng ký bản quyền trên Youtube.
Để đề phòng vấn đề tương tự gặp phải, tại trận đấu diễn ra ngày 6/12 vừa qua giữa đội tuyển Việt Nam và Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020, đơn vị phát sóng trận đấu trên Youtube đã chủ động tắt tiếng phần hát quốc ca giữa Việt Nam và Lào, đồng thời đưa ra thông báo “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ”, điều này khiến nhiều khán giả và cư dân mạng tại Việt Nam phẫn nộ.
Nhiều người cho rằng Quốc ca, không chỉ của Việt Nam mà của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đều thuộc sở hữu của toàn dân và Youtube không có quyền đánh dấu bản quyền quốc ca vì bất kỳ lý do nào.
Vậy Youtube lấy quyền gì để đánh dấu bản quyền của quốc ca Việt Nam trên nền tảng của mình? Câu trả lời chính là Content ID. Một số công ty, chẳng hạn như BH Media, đã gắn Content ID vào sản phẩm trên Youtube, bao gồm bản thu “Tiến quân ca”, điều này khiến cho những người dùng khác khi đăng tải các nội dung có gắn Content ID lên Youtube đồng nghĩa với việc vi phạm bản quyền và nội dung sẽ bị gỡ bỏ hoặc bị xóa tiếng.
Vậy Content ID là gì?
Nói một cách đơn giản, Content ID được xem như một hệ thống vân tay kỹ thuật số, được phát triển bởi Google, sử dụng để dễ dàng xác định và quản lý các nội dung có bản quyền trên Youtube.
Hệ thống này bắt đầu được triển khai từ năm 2007, được xem là công cụ của Youtube để bảo vệ những nhà sáng tạo nội dung. Youtube cho biết chỉ cung cấp Content ID cho những chủ sở hữu nội dung đáp ứng được các tiêu chí, quan trọng nhất chủ sở hữu bản quyền phải cung cấp bằng chứng về nội dung có bản quyền và việc sở hữu các quyền độc quyền đối với nội dung này.
Các video khi đăng tải lên Youtube sẽ được so sánh nội dung về âm thanh và video với cơ sở dữ liệu các nội dung đã được chủ sở hữu đăng ký trên hệ thống Content ID. Nếu phát hiện thấy nội dung trùng khớp (cả về âm thanh lẫn nội dung video), chủ sở hữu nội dung có thể yêu cầu chặn các video vi phạm nội dung hoặc được trả tiền từ các nội dung đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đăng ký Content ID khá lỏng lẻo và có thể bị qua mặt bởi một vài thủ thuật đơn giản. Lợi dụng điều này, nhiều cá nhân và đơn vị đã đăng ký Content ID để đánh dấu bản quyền nhiều nội dung chưa được ai xác nhận bản quyền, trong đó có những bản thu âm quốc ca của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Youtube thừa nhận sai sót của hệ thống Content ID
Content ID là hệ thống hoạt động tự động, dựa vào những đăng ký và khai báo của người dùng để cấp bản quyền, do vậy việc hệ thống này nhầm lẫn hoặc đánh dấu bản quyền không chính xác là điều khó tránh khỏi. Bản thân Youtube mới đây cũng đã lên tiếng thừa nhận sai sót của hệ thống Content ID.
Theo đó, Youtube vừa xuất bản một Báo cáo minh bạch về bản quyền trên nền tảng của trang web này, cung cấp một cái nhìn tổng quan về vấn đề bản quyền của Youtube.
Theo báo cáo này, trong 6 tháng đầu năm 2021, hơn 2,2 triệu video trên Youtube đã bị khiếu nại vì đánh dấu bản quyền không chính xác, 99% trong số đó bị đánh dấu bởi hệ thống Content ID. Kết quả phân xử của Youtube xác định rằng 60% trong số các video bị đánh dấu bản quyền không vi phạm, nghĩa là các video do người dùng đăng tải vẫn có thể tiếp tục được hiển thị trên Youtube, thay vì bị xóa đi hoặc bị tắt tiếng, tắt chức năng kiếm tiền…
Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống Content ID hoạt động không thực sự hiệu quả và đánh dấu nhầm bản quyền nhiều nội dung. Chỉ đến khi người đăng tải các nội dung video lên Youtube khiếu nại, những sai sót này mới được nhận ra và gỡ bỏ. Nhiều nhà sáng tạo nội dung Youtube cho rằng hệ thống Content ID đã hoạt động “quá khích” hoặc không hợp lý, dẫn đến việc bắt lỗi bản quyền một cách thái quá, dù lỗi vì phạm không thực sự rõ ràng.
Trong báo cáo của mình, bản thân Youtube cũng đã thừa nhận rằng “không hệ thống nào là hoàn hảo” và cho biết hệ thống Content ID sẽ cần phải có những cập nhật để nhận diện các vấn đề bản quyền được chuẩn xác hơn.
Xin chào chúng mình là Gen Z. Thế hệ tuổi trẻ Gen Z chúng mình chia sẻ cho nhau những bài viết bổ ích giúp nhằm mục đích phi lợi nhuận và cùng nhau phát triển bản thân về cả tri thức lẫn tinh thần. Nếu bạn đam mê viết lách và chia sẻ câu chuyện cá nhân của bạn trên nền tảng internet hãy gửi tin nhắn đến cho chúng mình cùng gia nhập cộng đồng cùng nhau học hỏi và chia sẻ kiến thức nhé