Quản trị viên tập sự (Management Trainee) là gì?
Quản trị viên tập sự (Management Trainee) là chương trình tuyển dụng các bạn sinh viên tài năng diễn ra hàng năm của các tập đoàn, công ty lớn như Unilever, Nestlé, Suntory Pepsico, Vinamilk… Mục đích của chương trình là tìm ra các ứng viên tài năng nhất giữa hàng ngàn bộ hồ sơ gửi về, đào tạo họ từ những quản trị viên tập sự trở thành những nhà lãnh đạo tương lai.
Đối tượng tham gia
Tùy thuộc vào từng công ty, từng chương trình “Quản trị viên tập sự” sẽ đòi hỏi những yêu cầu khác nhau từ các ứng viên. Tuy nhiên, đối tượng chính vẫn là các bạn trẻ sắp hoặc mới ra trường với thành tích học tập xuất sắc, chưa có hoặc kinh nghiệm làm việc, hoặc có dưới 1 – 2 năm kinh nghiệm, có kiến thức về xã hội, khả năng sử dụng tiếng Anh tốt và tự tin vào bản thân.
Lợi ích từ chương trình
Đây có thể xem là bệ phóng trên con đường phát triển sự nghiệp của bạn. Bất cứ cá nhân nào vượt qua được các vòng tuyển chọn nghiêm ngặt và tham gia vào chương trình sẽ nhận được sự đào tạo bài bản trong một môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp mà không ít bạn trẻ mong ước, có cơ hội trở thành nhà quản trị viên tập sự và nhà lãnh đạo trong tương lai.
Các vòng thi của Quản Trị Viên Tập Sự (Management Trainee)
Các ứng viên sẽ phải tham gia vào khá nhiều vòng thử thách trước khi chính thức được nhận vào chương trình. Sẽ có đầy đủ các vòng để kiểm tra khả năng của ứng viên từ Nộp CV – Tư duy (kiểm tra giấy) – Phỏng vấn – Làm việc nhóm / Giải quyết tình huống – Phỏng vấn chuyên sâu. Hầu hết các vòng này đều yêu cầu bạn sử dụng tiếng Anh thành thạo để làm kiểm tra, đọc hiểu và giải quyết tình huống.
- Vòng 1: CV
Người tuyển dụng sẽ có những đánh giá đầu tiên về bạn qua bản CV để quyết định xem bạn có thích hợp với vị trí Quản trị viên tập sự hay không. Thế nên bạn cần chắc chắn nội dung CV được trình bày ấn tượng nhưng vẫn trung thực. Bạn sẽ được yêu cầu điền vào mẫu CV online hoặc nộp hồ sơ bằng tiếng Anh nên hãy nhớ kiểm tra kỹ CV trước khi gửi đi để tránh mắc các lỗi chính tả, ngữ pháp.
- Vòng 2: Kiểm tra giấy
Vòng này bạn sẽ phải tham gia kiểm tra trên giấy để đánh giá chỉ số IQ/EQ; các bài kiểm tra này sẽ được thiết kế và trình bày bằng tiếng Anh. Bạn nên lên mạng tham khảo trước các dạng bài và làm thử để không bị bỡ ngỡ khi làm kiểm tra thật. Yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng, bạn cần bình tĩnh và tận dụng thời gian một cách tối đa.
- Vòng 3: Phỏng vấn đầu tiên
Đây là vòng mà bạn sẽ gặp mặt trực tiếp với đại diện của công ty tuyển dụng và họ sẽ đánh giá bạn khá nhiều qua ngoại hình và khả năng giao tiếp. Đừng quên ăn mặc lịch sự, có thái độ nhã nhặn và chuẩn bị kỹ càng các câu hỏi có khả năng sẽ gặp.
- Vòng 4: Làm việc nhóm/ Giải quyết tình huống
Ở vòng này, bạn sẽ phải làm việc theo nhóm cùng với các ứng viên khác. Các ứng viên thường tập trung vào kết quả sau cùng, nhưng vì đây là cuộc thi để trở thành Quản trị viên tập sự, nên quá trình làm việc nhóm chiếm tới 60% quyết định của nhà tuyển dụng trong việc đánh giá khả năng của bạn. Thế nên, hãy làm việc với đồng đội một cách hiệu quả nhất và tránh để xảy ra xung đột.
- Vòng 5: Phỏng vấn chuyên sâu
Đây sẽ là vòng tuyển dụng cuối cùng và thông thường nhà tuyển dụng sẽ đặt các câu hỏi gợi mở để tìm hiểu về tính cách và con người của bạn. Đây cũng là thời điểm để họ xác định bạn có phù hợp với tính chất công việc và công ty hay không. Bạn nên cố gắng tự tạo cho mình một tâm lý thoải mái ở vòng này và cho họ những câu trả lời mà bạn nghĩ là phù hợp nhất.
Lời khuyên
Hầu như các ứng viên đều là các bạn sinh viên trẻ tuổi và ưu tú. Thế nên, ngoài việc chuẩn bị các kiến thức chuyên môn kỹ càng, bạn nên chú trọng vào khả năng giao tiếp, tự tạo cho mình một phong thái tự nhiên, thoải mái. Một điều quan trọng nữa là bạn cần trau dồi kỹ năng tiếng Anh của mình ngay khi có ý định sẽ tham gia các kì thi tuyển vì đây chính là nhân tố vô hình giúp bạn ghi điểm trong mặt nhà tuyển dụng; trong trường hợp này thì đây là chìa khóa để bạn vượt qua các vòng thi và bước chân vào các công ty cũng như các tập đoàn nước ngoài lớn.
Nguồn: Wallstreet
Xin chào chúng mình là Gen Z. Thế hệ tuổi trẻ Gen Z chúng mình chia sẻ cho nhau những bài viết bổ ích giúp nhằm mục đích phi lợi nhuận và cùng nhau phát triển bản thân về cả tri thức lẫn tinh thần. Nếu bạn đam mê viết lách và chia sẻ câu chuyện cá nhân của bạn trên nền tảng internet hãy gửi tin nhắn đến cho chúng mình cùng gia nhập cộng đồng cùng nhau học hỏi và chia sẻ kiến thức nhé